Tìm phương án xử lý ruộng lúa hóa đá sau bão lũ ở Lào Cai

23/07/2025 08:34

Lào Cai – Sau nhiều tháng xảy ra bão lũ, người dân vẫn mong có phương án xử lý những cánh đồng lúa bị bao phủ đá dọc con suối của xã Trịnh Tường.

Tìm phương án xử lý ruộng lúa hóa đá sau bão lũ ở Lào Cai

Hàng triệu khối đá tàn phá ruộng lúa của người dân xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Phóng viên đến xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát cũ vào những ngày trung tuần của tháng 7, sau gần 1 năm kể từ tháng 9.2024 khi cơn bão Yagi tác động, gây nhiều thiệt hại.

Ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay, cánh đồng lúa ở thôn San Hồ, Phố Mới 1,2 vẫn chưa thể khắc phục.

Ngổn ngang đá trên dòng suối Nà Lặc chảy qua xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Ngổn ngang đá trên dòng suối Nà Lặc chảy qua xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Qua tìm hiểu, sau trận mưa lũ lịch sử do bão Yagi gây ra, dòng nước xiết tràn về đã cuốn theo một khối lượng đá khổng lồ xuống hạ lưu.

Và cho đến thời điểm hiện tại, những tảng đá với đủ kích thước to nhỏ này vẫn án ngữ khắp các khu vực nó đi qua, khiến việc canh tác của người dân thêm phần vất vả.

Thượng nguồn nơi dòng nước lũ dồn về dòng suối chảy qua xã Trịnh Tường năm 2024. Ảnh: Đinh Đại

Thượng nguồn nơi dòng nước lũ dồn về dòng suối chảy qua xã Trịnh Tường năm 2024. Ảnh: Đinh Đại

Anh Mò Văn Sự (trú xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai) chia sẻ: “Sắp tròn 1 năm dòng suối Nà Lặc chảy qua xã Trịnh Tường này bị bao phủ bởi hàng vạn tảng đá lớn nhỏ sau bão lũ kinh hoàng. Người dân hiện tại cũng không thể làm gì hơn vì đất canh tác gần như bị mất toàn bộ, chỉ một phần nhỏ diện tích đất còn trống là bà con có thể tận dụng trồng trọt thôi”.

Theo anh Sự, thiên tai diễn biến khắc nghiệt và không thể lường trước nên cũng đành phải chấp nhận. May mắn nhất là không có thiệt hại nào về người.

Dù vậy, người dân mong chính quyền các cấp sớm có phương án xử lý, tận thu số đá này để không lãng phí tài nguyên. Đồng thời cũng giúp dọn sạch đất để bà con canh tác trở lại.

Người dân thu gom, tận thu củi trên suối. Ảnh: Đinh Đại

Người dân thu gom, tận thu củi trên suối. Ảnh: Đinh Đại

Theo thống kê sơ bộ, ước tính tổng diện tích đá vùi lấp ở Trịnh Tường khoảng 150 ha, ước lượng khoảng 3 triệu khối, trong đó riêng đất lúa gần 60 ha. Có những vị trí đá vùi lấp cao tới 6 - 7 m từ mặt suối, vượt qua cả nền đường.

Ngày 22.7, thông tin tới Báo Lao Động, ông Nguyễn Bá Cảnh – Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho biết: “Việc lượng lớn đá lấp suối, ảnh hưởng đến quá trình trồng trọt của người dân là do ảnh hưởng của thiên tai, chính quyền xã cũ cũng đã có những hỗ trợ nhất định cho bà con. Vừa rồi lãnh đạo tỉnh có xuống kiểm tra rồi.

Về vấn đề xử lý số đá này lại thuộc thẩm quyền của tỉnh Lào Cai, phải theo quy định của pháp luật. Chúng tôi hiện tại chỉ làm nhiệm vụ trông giữ theo quy hoạch lâu dài thôi”.

Máy móc được triển khai để khơi thông đường, nạo vét dòng chảy trên suối Nà Lặc, xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Máy móc được triển khai để khơi thông đường, nạo vét dòng chảy trên suối Nà Lặc, xã Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đinh Đại

Được biết, do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ lịch sử tháng 9.2024 của bão Yagi và trận lũ đầu tháng 7.2025, đoạn suối Nà Lặc chảy qua Tỉnh lộ 156 (đoạn xã Trịnh Tường - Y Tý) bị thay đổi dòng chảy, đất đá vùi lấp cống thoát nước và ngầm Nà Lặc, khiến việc đi lại của Nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Để ứng phó với hoàn lưu bão Wipha năm 2025, hiện nay, lực lượng chức năng đang khẩn trương sử dụng phương tiện để nạo vét, khơi thông dòng chảy suối Nà Lặc chảy qua Tỉnh lộ 156 thuộc địa phận xã Trịnh Tường, nhằm hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ đối với các công trình giao thông.

Đinh Đại