
Cầu độc đạo xây ì ạch, dân vất vả lưu thông. Ảnh: Lam Thanh
Dự án đường dẫn, cầu qua suối Cam thuộc địa phận xã Tiến Bộ (cũ), nay là xã Thái Bình, do BQL dự án ĐTXD khu vực huyện Yên Sơn làm chủ đầu tư. Công trình trị giá gần 12 tỉ đồng, liên danh Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Phát - Công ty CP đầu tư và xây lắp Constrexim số 8 thi công.

Dự án nằm trên trục đường huyết mạch vào xã Tiến Bộ (cũ). Ảnh: Lam Thanh
Ghi nhận PV những ngày giữa tháng 7.2025, dự án đang thi công nằm chắn ngang lối vào chính trung tâm xã Tiến Bộ (cũ). Trên công trường chỉ có 4 công nhân đang xây dựng trụ cầu. Máy móc, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang.
Cầu tạm được mở phục vụ người dân di chuyển trong quá trình thi công cũng đã bị chắn ngang. Dù 2 đầu dự án có đặt biển hạn chế các phương tiện (trừ xe máy) qua đường tạm nhưng thực tế không thể đi qua.
Thời điểm có mặt tại dự án, PV ghi nhận cảnh nhiều phương tiện đi vào trung tâm xã Tiến Bộ (cũ) buộc phải quay đầu, hoặc đi lối tắt qua cầu gốc Táu. Tuy nhiên, đoạn đường này mới mở, có biển cấm các phương tiện trọng tải 3 - 5 tấn.

Công trường dự án lác đác vài công nhân thi công. Ảnh: Lam Thanh
Việc thi công cầu qua suối Cam ì ạch, trong khi không có đường tạm khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.
Ông Triệu Việt Đức (xóm Rạp, xã Thái Bình) cho biết, ngày trước ở đây có kè tràn nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng. Khi có dự án xây cầu mới, người dân địa phương rất phấn khởi. Thế nhưng họ xây dựng rất chậm, giờ không có đường tạm lưu thông nên rất vất vả.

Trong khi các phương tiện không thể đi qua cầu thì một đường dân sinh khác cũng cấm các xe trọng tải lớn. Ảnh: Lam Thanh
"Công trình đã xây dựng được 4, 5 tháng nay. Thời điểm mới xây thì có làm 1 cầu tạm cho dân đi qua, cầu nhỏ, không chắc chắn nên cũng khó đi. Tầm 20 ngày trở lại đây thì đường tạm cũng không đi được nữa.
Đây là đường huyết mạch dẫn vào trung tâm xã, có các trường học nhưng giờ bị tắc, ảnh hưởng rất lớn việc đi lại của người dân", ông Đức cho hay.
"Dự án xây cầu mà có ngày chỉ có 2 - 3 công nhân, đông nhất cũng chỉ có 4 người, không thể hiểu nổi. Thi thoảng mới có cái máy xúc cũ làm, hỏng lên hỏng xuống", ông Đức bức xúc.
Cũng theo ông Đức, khu vực trung tâm xã có nhiều xưởng gỗ bị tê liệt do không có đường tạm. Mong các cơ quan chức năng đôn đốc nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình.
Cùng bức xúc, ông Trần Mạnh Dĩnh (xã Thái Bình) cho biết, cách đây mấy tháng xe chở gỗ của gia đình từng bị lật khi đi qua đường tạm của dự án, thiệt hại cả hàng chục triệu đồng. Đến nay khi đường tạm cũng không còn thì việc đi lại rất vất vả.

Đường tạm qua dự án bị chắn khiến các phương tiện không thể di chuyển. Ảnh: Lam Thanh
"Những đường khác dẫn vào trung tâm xã thì các xe máy, ôtô con chấp nhận đi xa chút cũng được. Nhưng các xe trọng tải lớn thì đành chịu.
Họ làm dự án mà giờ không có đường tạm. Thi công thì ì ạch nên mọi người bức xúc. Tôi đã có kiến nghị lên chính quyền địa phương", ông Dĩnh cho hay.
Ngày 22.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, 1 lãnh đạo BQL dự án ĐTXD khu vực huyện Yên Sơn cho biết, đơn vị đã yêu cầu nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.
"Khi đổ bê tông xong phần mố cầu sẽ mở lại đường tạm cho người dân, theo cam kết khoảng ngày 25.7 sẽ đi được. Khi thi công phần mố trụ cầu do hạng mục sát đường tạm nên mới không thể di chuyển.
Tiến độ đến nay vẫn đạt. Đơn vị đang đôn đốc sát sao nhà thầu và cử 1 cán bộ đến giám sát để đảm bảo thi công", vị lãnh đạo thông tin thêm.