Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, sau khi sáp nhập ba tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ mới, dự kiến có khoảng 4.405 cán bộ, công chức, viên chức từ Vĩnh Phúc và Hòa Bình đăng ký lưu trú tại Phú Thọ.
Việc điều động nhân sự và thay đổi nơi làm việc sau sáp nhập cũng kéo theo một làn sóng dịch chuyển chỗ ở. Nhu cầu bán và cho thuê nhà tại trung tâm TP Hòa Bình cũ (nay là phường Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ) bắt đầu tăng mạnh.
Ghi nhận của PV Báo Lao Động, những ngày giữa tháng 7, trên các trang rao vặt và hội nhóm bất động sản, các tin bán nhà chung cư, nhà phố tại trung tâm TP Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) xuất hiện dày đặc.


Tin rao bán nhà phố, nhà chung cư tại trung tâm TP Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) xuất hiện dày đặc trên các hội nhóm bất động sản. Ảnh chụp màn hình
Trong đó, phân khúc chung cư - vốn được xem là kênh đầu tư và an cư ổn định đang chứng kiến làn sóng rao bán và cho thuê gia tăng đột biến, đặc biệt tại các khu chung cư như Sao Vàng và Dạ Hợp. Tuy nhiên, trái ngược với mức độ rao bán, số lượng giao dịch thành công lại rất khiêm tốn.
Anh Hồng Thái - một môi giới bất động sản tại Phú Thọ - cho biết, hiện mức giá rao bán các căn hộ chung cư tại trung tâm TP Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ) dao động từ 550 triệu đến hơn 1,2 tỉ đồng/căn, tùy vị trí và diện tích. Trong khi đó, giá cho thuê lại có xu hướng giảm nhẹ để thu hút khách, phổ biến từ 3 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lượng khách thuê cũng không nhiều.
Chị Nguyễn Thu Hằng - chủ một căn hộ tại chung cư Sao Vàng - cho hay: "Gia đình tôi chuyển công tác nên muốn bán lại căn hộ. Tôi đã đăng tin gần một tháng nay, hạ giá 2 lần, hiện chỉ còn 950 triệu đồng cho căn 2 phòng ngủ, nhưng vẫn rất ít người hỏi mua".

Tin đăng bán chung cư của chị Nguyễn Thu Hằng. Ảnh chụp màn hình
Tương tự, anh Trần Kiên - chủ một ngôi nhà mặt phố đường Trần Hưng Đạo - chia sẻ: "Gia đình tôi dự định bán nhà để chuyển về Hà Nội sinh sống. Nhưng từ khi sáp nhập tỉnh mới, người hỏi mua ít hẳn, nhiều người còn trả thấp hơn trước".
Một dòng tiền khác lại hướng về trung tâm hành chính mới - phường Việt Trì. Theo anh Kiên, nhiều người ở TP Hòa Bình cũ "săn" nhà đất tại Việt Trì khá nhiều. Họ bán đất đầu tư ở nhiều nơi để dồn tiền về gom đất tại Việt Trì với mục đích nhằm phục vụ cho công việc sau sáp nhập tỉnh, đồng thời là cơ hội để đầu cơ.

Bảng “bán nhà” xuất hiện dày đặc trên tuyến phố Trần Hưng Đạo, TP Hòa Bình cũ (nay là tỉnh Phú Thọ). Ảnh: Yên San
Lý giải cho làn sóng bán nhà bất thường, anh Trần Đức Huy - chuyên viên bất động sản tại Công ty Bất động sản Đất Việt - nhận định, tâm lý người dân sau sáp nhập bị tác động mạnh bởi sự thay đổi địa giới hành chính, đặc biệt là việc trung tâm hành chính mới của tỉnh Phú Thọ (sau sáp nhập) được đặt tại Việt Trì.
Điều này đồng nghĩa, TP Hòa Bình cũ nay trở thành địa phương ngoại vi, cách trung tâm mới hàng chục cây số. Với không ít người đang sở hữu nhà đất nơi đây, nhất là những hộ từng định giá tài sản theo tiêu chuẩn "trung tâm tỉnh lị", thì sự chuyển dịch ấy khiến kỳ vọng về giá trị bất động sản bị lung lay.
Tuy nhiên, TP Hòa Bình cũ, dù không còn là trung tâm tỉnh mới, vẫn sở hữu nhiều lợi thế về cảnh quan, du lịch, dịch vụ và logistic. Việc rao bán ồ ạt nhiều khả năng chỉ là phản ứng ngắn hạn với thay đổi địa giới, chứ chưa phản ánh đúng tiềm năng và giá trị thực sự của bất động sản nơi đây.