
Nhiều năm qua, người dân bản Huổi Lích 1, xã Nậm Kè, tỉnh Điện Biên vẫn phải liều mình qua suối. Ảnh: Quang Đạt
Ám ảnh mang tên bè tre qua suối
Nhiều năm qua, 57 hộ với hơn 330 nhân khẩu bản Huổi Lích 1 (xã Nậm Kè, tỉnh Điện Biên) vẫn phải đánh cược tính mạng trên những chiếc bè tre mỏng manh để vượt suối Nậm Chà.
Đây cũng là tuyến đường chính gần nhất (gần 30km) để người dân bản Huổi Lích 1 ra trung tâm xã Nậm Kè. Tuy nhiên, con đường đến trung tâm xã để giao thương, giải quyết các công việc hành chính hay đi học của các cháu học sinh lại bị chia cắt bởi dòng suối hung dữ, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Sùng A Sinh – Trưởng bản Huổi Lích 1, không giấu được nỗi lo lắng: "Mùa nắng thì bà con đi lại còn tạm, nhưng đến mùa mưa thì khổ lắm, suối nước to, chảy xiết, đi lại rất ảnh hưởng. Người dân phải đi bằng bè tre, nước nhỏ thì kéo còn đỡ, nước to kéo bè rất nguy hiểm".


Ông Sùng A Sinh đi qua suối Nậm Chà. Ảnh: Quang Đạt
Chiếc bè tre mỏng manh, được kéo qua lại bằng một sợi dây thừng, trở thành phương tiện giao thông duy nhất qua suối nhưng cũng là nỗi ám ảnh thường trực. Đây là tuyến đường chính yếu cho người dân bản Huổi Lích 1 ra trung tâm xã Nậm Kè, xã Quảng Lâm cho việc trao đổi, mua bán hàng hóa, và đặc biệt cho học sinh đến trường.
"Dù có một con đường khác đi qua xã Pá Mỳ cũ, nhưng trụ sở xã mới đã chuyển về Nậm Kè, người dân và học sinh thuộc nhóm 1 bản Huổi Lích 1 đều chủ yếu đi tuyến này. Đi bằng bè nguy hiểm lắm, nhưng không còn cách nào khác" - ông Sinh nói.

Sợi dây cáp được buộc với thân cây. Ảnh: Quang Đạt
Sự nguy hiểm rình rập ấy đã hóa thành “thảm kịch” vào ngày 4.7 vừa qua, 3 cháu nhỏ tại bản Huổi Lích 1 cùng nhau đi bè qua suối, đúng lúc nước suối dâng cao và chảy xiết, khiến sợi dây buộc bè bị tuột.
Hai cháu lớn may mắn bơi được vào bờ an toàn, tuy nhiên cháu Lầu A Anh (8 tuổi) con của ông Lầu A Tủa đã bị dòng nước xiết cuốn trôi. Sau nhiều ngày nỗ lực tìm kiếm, đến chiều ngày 7.7, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể cháu tại khu vực suối Nậm Chà, cách nơi xảy ra tai nạn khoảng 15km.
Mong mỏi một cây cầu
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Vũ Đức Thiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết, chính quyền xã thấu hiểu những vất vả mà người dân đang phải đối mặt.

Người dân liều mình qua suối Nậm Chà. Ảnh: Quang Đạt
"Vào mùa mưa, việc đi lại của bà con bản Huổi Lích 1 và cả những hộ dân xã Quảng Lâm có nương rẫy trong khu vực là vô cùng khó khăn. Người dân phải dùng bè tre tự chế, thường phải 2-3 người lớn mới kéo bè qua suối” - ông Thiệp nói.
Ông Thiệp cũng cho biết thêm, tuyến đường bộ Quảng Lâm – Pá Mỳ cũng thường xuyên xảy ra sạt lở, khiến việc đi lại càng thêm khó khăn.

Người dân bản Huổi Lích 1, xã Nậm Kè mong mỏi một cây cầu mới. Ảnh: Quang Đạt
"Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện, bổ sung nguồn vốn để xây dựng một cây cầu vững chắc qua suối, đảm bảo an toàn cho bà con đi lại và phát triển sản xuất, nhất là về mùa mưa lũ” - ông Thiệp khẳng định.

Tuyến đường từ trung tâm xã Nậm Kè đi bản Huổi Lích 1 sạt lở trong những ngày giữa tháng 7. Ảnh: Quang Đạt
Hơn lúc nào hết, hơn 330 nhân khẩu của bản Huổi Lích 1 đang mong chờ giấc mơ về một cây cầu trở thành hiện thực, để mỗi ngày qua suối không còn là một lần đánh cược với tử thần.