53/124 xã tại Tuyên Quang đã công bố dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Việt Bắc
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường (NNMT) tỉnh Tuyên Quang, tính đến ngày 25.7, tổng số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn phải tiêu hủy bắt buộc là 9.864, tổng khối lượng 544.365 kg. Đã có 53/124 xã phường công bố có dịch.
Cũng theo nhận định của Sở NNMT, dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp, tiếp tục lây lan nhanh, mạnh và phát tán trên phạm vi rộng.
Đặc điểm của vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi là có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp và thực tế chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh thì khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan ra các xã khác trên địa bàn tỉnh là rất lớn.
Các địa phương tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Việt Bắc.
Thông tin tới PV, đại diện UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, trước tình hình dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, mạnh và phát tán trên phạm vi rộng, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Đối với các xã, phường chưa xảy ra dịch bệnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Chỉ đạo phòng chuyên môn, nhân viên chăn nuôi, thú y cấp xã chủ động giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm.
Kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm, bảo đảm đúng quy định khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi nhỏ lẻ. Xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, động vật nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường dẫn đến lây lan dịch bệnh.
Tăng cường công tác kiểm soát và quản lý chặt chẽ lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển, trung chuyển từ nơi khác vào địa bàn quản lý.
Đối với các xã đang xảy ra dịch bệnh cần khẩn trương khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Thực hiện nghiêm việc công bố dịch bệnh khi đủ điều kiện công bố dịch xảy ra trong phạm vi theo quy định.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có những chỉ đạo quyết liệt phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Việt Bắc.
Thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trực tiếp xuống kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các thôn, bản để chỉ đạo, đôn đốc thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thành lập tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tả lợn châu Phi cấp xã, các thành viên trong tổ phải bám nắm địa bàn, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn không đúng quy định, vứt xác lợn, các sản phẩm từ lợn ra môi trường.
Thực hiện rà soát, quản lý chặt chẽ các hộ kinh doanh, giết mổ lợn trên địa bàn theo quy định. Tiếp tục thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại cơ sở giết mổ.