Ảnh biểu diễn quy mô lớn |
Trước đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia từ năm 2013. Hiện nay, trung tâm của Xòe Thái có thể được coi là ở Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Mường Lay và thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), huyện Thuận Châu (Sơn La)...
Múa xòe là một sinh hoạt văn hóa đặc sắc, một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái Tây Bắc. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể dân chủ cao nên mọi người Thái đều biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc mình.
Người Thái quan niệm “Không xòe không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Họ quan niệm rằng múa xòe như một phần cuộc sống, như cơm ăn, nước uống hằng ngày.
Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm, âm thanh phát ra từ trang sức bằng bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái tạo nên một loại hình nghệ thuật đặc sắc ở vùng Tây Bắc.
Điệu xòe mang tính tập thể, có tính giao lưu cộng đồng cao, không phân biệt tuổi tác, giới tính, địa vị xã hội, nghề nghiệp và tộc người cùng tham gia, vì vậy có sức sống bền vững, được cộng đồng truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ.
Trong những lễ hội, ngày vui của bản làng, điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi du khách gần xa. Đó là tiếng lòng của bà con gửi gắm trong điệu múa quyến rũ giữa non ngàn Tây Bắc. Cũng là trách nhiệm cho các địa phương có đồng bào người Thái sinh sống đối với việc tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong xã hội hiện đại.