Rừng phòng hộ ở Thái Nguyên âm thầm bị tàn phá trong nhiều năm

27/05/2025 14:05

Một diện tích lớn rừng phòng hộ ở xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) bị chặt phá trái phép trong nhiều năm qua. Tại hiện trường, hàng chục gốc cây gỗ lớn bị cưa xẻ nham nhở.

Rừng phòng hộ ở Thái Nguyên âm thầm bị tàn phá trong nhiều năm

Hiện trường chỉ còn sót lại thân cây gỗ bị cưa xẻ, nằm chỏng chơ trên nền đất. Ảnh: Nguyễn Hoàn

Lén lút phá rừng

Men theo triền núi cao ở xóm Mỏ 3, xã Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên), những vạt rừng phòng hộ từng rậm rạp, phủ xanh cả sườn đồi nay chỉ còn lại khoảng trống trơ trụi, đất đá xói mòn. Dấu tích của các hoạt động chặt phá kéo dài hiện rõ qua những gốc cây bị cưa sát đất, thân gỗ xẻ thành từng khúc nằm rải rác.

Là người sống lâu năm dưới chân dãy núi này, ông Văn Thế (tên đã thay đổi) không giấu được nỗi xót xa. Ông Thế cho biết, việc chặt phá không rầm rộ nhưng âm ỉ kéo dài nhiều năm, diễn ra lén lút nên rất khó phát hiện.

Theo ông Thế, lâm tặc thường hoạt động đơn lẻ, dùng cưa lốc cắt gọn từng cây rồi nhanh chóng vận chuyển ra ngoài. Có thời điểm vài tháng mới thấy động tĩnh, nhưng thời điểm những tháng đầu năm 2025 thì hoạt động chặt phá diễn ra rầm rộ hơn.

“Chặt xong là họ trồng cây keo luôn vào chỗ đó. Giờ vào rừng toàn thấy keo non mới nhú, gốc rừng cũ thì nằm chỏng chơ ra đấy. Cứ mỗi năm họ phá một ít, nhìn mà xót ruột, nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý mà cứ đà này chẳng mấy mà mất hết rừng thôi”, ông Thế nói thêm.

Ông Thế đưa phóng viên Báo Lao Động đến khu vực bị chặt phá. Nơi từng là những vạt rừng phòng hộ xanh mát giờ hiện ra với lớp đất bị cày xới, các dấu cắt còn mới, có cây gỗ đường kính lớn đã bị đốn hạ và phần thân đã được đưa đi. Một số thân cây còn bỏ lại dưới gốc, nằm chỏng chơ bên những hàng keo vừa trồng.

Theo lời ông Thế, ban đầu, những người khai thác chỉ chọn các cây gỗ to có giá trị. Nhưng dần dần, diện tích bị tác động mở rộng hơn. “Giờ cứ chỗ nào rừng bị đốn là người ta trồng keo vào đó. Thế là rừng bị thay dần dần bằng những cây keo”.

Không chỉ mất rừng, việc thay thế bằng cây keo cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường, hệ sinh thái khu vực. Có nhà gần khu vực rừng bị tàn phá, anh Văn Khoa (tên đã thay đổi) cho biết, các khe nước nhỏ quanh khu vực này có nước chảy quanh năm, nhưng nay thì không còn nhiều như trước.

“Trước đây, nước ở khe suối rất nhiều, đủ phục vụ cho người dân sinh hoạt, canh tác. Nhưng những năm gần đây, lượng nước đầu nguồn dần vơi và ít dần đi. Cây lúa, cây chè thiếu nước tưới, nhiều hộ phải tìm nguồn nước để canh tác, rất vất vả. Nếu rừng còn bị phá thế này thì mai kia lấy gì mà sản xuất, canh tác?”, anh Khoa bày tỏ lo lắng.

Người dân lo lắng khi nguồn nước đầu nguồn đang dần cạn kiệt.  Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Người dân lo lắng khi nguồn nước đầu nguồn đang dần cạn kiệt. Ảnh: Nguyễn Hoàn.

Nỗi lo mất rừng, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở

Ngoài vấn đề nguồn nước, người dân nơi đây còn lo ngại nguy cơ sạt lở trong mùa mưa do mất lớp cây giữ đất. Đặc biệt, khu vực bị tác động nằm trên đồi cao, việc thay rừng tự nhiên bằng keo không chỉ làm suy giảm khả năng giữ nước mà còn khiến đất dễ bị rửa trôi.

Cũng theo phản ánh của một số người dân địa phương xóm Mỏ 3, xã Tân Long, mặc dù khu vực bị chặt phá thuộc rừng phòng hộ nhưng tình trạng xâm lấn, tự ý chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang đất trồng keo vẫn xảy ra trong thời gian dài mà không có phương án để ngăn chặn triệt để.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Cẩm Long - Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên thừa nhận có tình trạng rừng phòng hộ tại xóm Mỏ 3, xã Tân Long (Đồng Hỷ) bị xâm lấn, chặt phá trái phép.

Vị lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên cũng cho hay, khu vực bị chặt phá nằm ở lô 1, khoảnh 7, tiểu khu 177. Diện tích rừng bị tác động hơn 1.400m². Ngay khi có thông tin của người dân phản ánh, lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh, kiểm tra. Thời điểm kiểm tra đã hiện có hơn 20 gốc cây gỗ lớn đã bị đốn hạ, nhiều luống keo đã mọc thay thế.

“Chi cục kiểm lâm tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Hạt trưởng hạt Kiểm lâm huyện Đồng Hỷ chủ trì, phối hợp với UBND xã Tân Long, các tổ chức, các cá nhân có liên quan kiểm tra, xác minh vụ việc để xử lý theo quy định”, ông Long cho biết thêm.

Trong khi chờ kết luận từ cơ quan chức năng, người dân vẫn phải tự xoay xở giữa nguy cơ thiếu nước, sản xuất bị ảnh hưởng, đời sống đảo lộn. Với địa hình đồi dốc, rừng phòng hộ đóng vai trò quan trọng trong giữ đất, điều tiết nước. Khi hệ sinh thái này bị thay thế bằng cây trồng ngắn ngày như keo, nguy cơ mất cân bằng môi trường là khó tránh khỏi.

 

Nguyễn Hoàn