Có nên tiêu huỷ 4 cá thể chuột túi ngoại lai được phát hiện ở Cao Bằng

21/11/2023 09:54

Theo các chuyên gia, đối với 4 cá thể chuột túi được phát hiện ở Cao Bằng, các cơ quan chức năng phải đánh giá các yếu tố thú y, dịch tễ của những cá thể này để có biện pháp xử lý phù hợp.

Có nên tiêu huỷ 4 cá thể chuột túi ngoại lai được phát hiện ở Cao Bằng
4 cá thể chuột túi được vận chuyển từ Cao Bằng sang Lào Cai với quãng đường 600km.

Cần đánh giá kỹ yếu tố thú y, dịch tễ

Theo bà Bùi Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, 4 cá thể chuột túi được phát hiện ở Cao Bằng không có phân bố trong tự nhiên ở Việt Nam, nó cũng không được liệt kê trong danh mục loài bảo vệ theo quy định của Việt Nam hay Công ước Quốc tế về buôn bán động vật nguy cấp. Theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng phải đánh giá các yếu tố thú y, dịch tễ của những cá thể này để có biện pháp xử lý phù hợp.

"Có nhiều biện pháp xử lý, không nhất thiết phải tiêu huỷ. Nếu có các cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục môi trường, vườn thú có nhu cầu tiếp nhận và có đầy đủ cơ sở vật để có thể tiếp nhận các cá thể này. Đồng thời yếu tố dịch tễ cho phép thì tôi nghĩ có thể chuyển giao cho các cơ sở đó. Còn trong trường hợp các cá thể có yếu tố dịch bệnh hoặc lý do khác bắt buộc phải tiêu huỷ thì cũng cần tiêu huỷ nhân đạo đối với các cá thể này" - bà Hà nói.

Theo bà Hà, trong điều 10 của Thông tư số 29/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các hình thức xử lý được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Việc thả về tự nhiên là không được vì loài này không có phân bố trong tự nhiên tại Việt Nam. Tiếp theo là cứu hộ trong trường hợp có các cơ sở có thể tiếp nhận các cá thể này, còn nếu không có thể chuyển giao đến các vườn động vật, cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo giáo dục môi trường, đào tạo chuyên ngành. Tiếp nữa, có thể bán đấu giá các cá thể này. Biện pháp cuối cùng mới là tiêu huỷ trong trường hợp không thể áp dụng được các biện pháp trước đó và cá thể mang dịch bệnh.

"Chúng ta cần quan tâm đầu tư hơn cơ sở vật chất, kỹ thuật để có thể xử lý với các tang vật, các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm, đặc biệt là những loài của Việt Nam" - bà Hà cho biết.

1 trong 4 cá thể chuột túi ngoại lai được phát hiện ở Cao Bằng.
1 trong 4 cá thể chuột túi ngoại lai được phát hiện ở Cao Bằng.

Để suy giảm động vật hoang dã là suy giảm hệ sinh thái

Phân tích thêm về vấn đề này, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết, khí hậu Australia khác với chúng ta, hệ sinh thái cũng khác. Chuột túi phát triển trên cả cánh đồng rộng lớn, khí hậu bên Australia mát mẻ hơn, điều kiện lạnh. Ở đất nước ta tuy có mùa lạnh nhưng cái lạnh của chúng ta không bằng. Chúng ta cũng có đồng cỏ, nhưng vì chúng không phù hợp nên có thể phá hoại hệ sinh thái, có thể mang một số bệnh tật truyền qua động vật, ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.

Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, việc nhập các loài ngoại lai cần có sự giám sát rất chặt chẽ. Nếu cần nhập cho phát triển kinh tế thì cần có chặt chẽ từ quy trình đưa vào, kiểm soát, thử nghiệm cho đến khi đưa vào đại trà.

Nói về pháp luật bảo vệ động vật hoang dã Việt Nam, ông Huỳnh cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng săn bắt bừa bãi, nhiều nơi còn có tình trạng đặt bẫy. Sở dĩ vẫn có việc này vì nhiều người vẫn tin rằng các loài động vật hoang dã có thể làm thuốc hay có người muốn thể hiện mình là người giàu có, sang trọng.

"Nếu chúng ta giám sát chặt chẽ sẽ cứu được nguy cơ tuyệt chủng với các loài động vật hoang dã. Mỗi loài đều có giá trị, chức năng sinh thái nhất định trong hệ sinh thái. Việc để suy giảm động vật hoang dã cũng chính làm giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta" - GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh phân tích.

Sau khi phát hiện 4 cá thể chuột túi ngoại lai, Hạt Kiểm lâm huyện Thạch An (tỉnh Cao Bằng) đã hoàn tất bàn giao các cá thể này cho Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật Hoàng Liên (thuộc Vườn Quốc gia Hoàng Liên) chăm sóc, quản lý theo quy định.

NGUYỄN HÀ - PHƯƠNG ANH