Cán bộ cấp cao cũng bị lộ lọt dữ liệu cá nhân
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường đánh giá, lộ lọt dữ liệu cá nhân đang là vấn đề rất bức xúc và nóng hổi bởi lúc này, dữ liệu cá nhân bị xâm hại, lợi dụng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng vô cùng khó khăn. Ông cũng nêu thực tế ngay cả lãnh đạo cấp cao vẫn bị lộ lọt dữ liệu cá nhân từ những nguồn khó xác định.
"Chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó việc làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... được đặc biệt quan tâm. Khi luật hóa thì những trường hợp bị lộ, bị lợi dụng, sử dụng dữ liệu cá nhân với mục đích khác sẽ xử lý thế nào?", Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đặt câu hỏi.

Ông dẫn chứng việc đi siêu thị, khi mua hàng bị yêu cầu phải đọc số điện thoại; mua vé máy bay cũng có số điện thoại, vừa ra đến cửa sân bay đã có người gọi điện "anh đi taxi về không?".
Trao đổi thêm về việc lộ lọt rất nhiều thông tin, ông Cường nêu ví dụ ông chỉ vô tình xem, chạm vào một quảng cáo về mua bán nhà thì hôm đó có thể ông sẽ nhận được hàng chục cuộc gọi giới thiệu về các dự án bất động sản.
"Đây là một hình thức lộ lọt thông tin, do đó cơ quan chức năng cần làm thế nào để công dân được đảm bảo dữ liệu cá nhân", đại biểu kiến nghị.
Tung tin sức khỏe lãnh đạo doanh nghiệp gây thiệt hại lớn
Cũng thảo luận về nội dung này, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng dữ liệu cá nhân là vấn đề rất nhạy cảm, có thể làm tổn hại đến uy tín, danh dự, thậm chí ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp tài chính kinh doanh của các tổ chức, cá nhân nếu bị lộ lọt và bị sử dụng với mục đích xấu.
"Lộ lọt dữ liệu cá nhân đang là một trong những vấn đề được các cơ quan chức năng và xã hội rất quan tâm. Dù các cơ quan chức năng đã rất cố gắng, nhưng việc lộ lọt dữ liệu cá nhân tiếp tục tăng mạnh và rất đáng báo động...", ông Tuấn cho biết.
Đại biểu này dẫn chứng việc Công ty An ninh mạng Viettel vừa công bố báo cáo tình hình an ninh mạng tại Việt Nam năm 2024, với 14,5 triệu tài khoản bị rò rỉ; nhiều thông tin cá nhân, tài liệu doanh nghiệp bị rao bán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội.

Khi luật này được ban hành, ông Tuấn kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cao nhất, quy định thống nhất về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thay vì được quy định rải rác tại các văn bản khác.
Đại biểu đề nghị phải làm rõ khái niệm "dữ liệu cá nhân nhạy cảm" bằng việc dẫn ví dụ tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án của ông A. bị lộ lọt. Khi đó, ông này đang làm chủ tịch hội đồng quản trị một công ty lớn.
Công ty đang kinh doanh phát đạt, giá trị cổ phiếu rất cao, nhưng bà B. lại tung tin nói ông A. bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Nguồn tin này ngay lập tức bị lan truyền, gây tác động tiêu cực, làm cho giá trị cổ phiếu và số vốn hóa của công ty đó giảm sâu.
"Thực tế ông A .có bệnh thật và bà B. cũng là người tung tin đúng sự thật. Tuy nhiên nguồn tin đó lại gây thiệt hại lớn cho công ty. Vậy bà B. tung tin như vậy có vi phạm pháp luật hay không?", ông Tuấn đặt vấn đề và đề nghị phải làm rõ nghĩa cụm từ "thông tin nhạy cảm" trong luật này.