Kỳ vọng mở đường, niềm vui chưa trọn đã… thất vọng
Với người dân vùng cao, mỗi mét đường được đổ bê tông là một bước gần hơn tới chợ, tới trường, tới cơ hội thoát nghèo. Bởi vậy, khi nghe tin tuyến đường từ thôn Tràng Mới đi Yên Phú được nâng cấp cải tạo, không ít hộ dân đã hồ hởi, kỳ vọng.
Giữa cái nắng gắt của mùa hè, ven tuyến đường dài khoảng 3km, đoạn thuộc thôn Tràng Mới chỉ được thi công khoảng 20-30m rồi bỏ dở. Bên vệ đường, những bao xi măng đã bị nước mưa thấm ướt, vón cục, đông cứng lại như đá.
“Gần 10 tấn xi măng giờ chẳng khác gì rác thải xây dựng. Còn đất đá, cát sỏi thì trôi hết xuống ruộng nhà tôi. Mấy hôm trời mưa, tôi phải mất hai buổi mới dọn sạch được để cấy lúa” – bà Đặng Thị An, một người dân thôn Tràng Mới, vừa nói vừa chỉ xuống thửa ruộng bị xói lở ở cạnh nhà.
Không chỉ riêng bà An, nhiều hộ dân khác trong thôn cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Mưa lớn khiến vật liệu tràn xuống ruộng, gây ngập úng, làm chết lúa và hoa màu. Hệ thống thoát nước cũng bị cát đá bịt kín.
“Chúng tôi không phản đối làm đường, nhưng làm kiểu này thì vừa lãng phí, vừa hại dân. Đã thế lại chẳng có ai đến nhận trách nhiệm, ruộng nhà tôi giờ xói lở, toàn đất với đá” – bà An bức xúc.
Tuyến đường được kỳ vọng là động lực mới cho sản xuất, nay lại thành mối lo. Còn người dân phải tạm dừng canh tác hoặc tự khắc phục hậu quả.
Ông Đặng Văn Tài, một người dân ở Bằng Lang cho biết: “Theo tôi được biết thì xã có kế hoạch làm lại khoảng 160m đoạn đường này, nhưng giờ mới được vài chục mét thì dừng luôn. Không thấy tổ thợ, không thấy máy móc, chỉ thấy xi măng hỏng, đá sỏi ngổn ngang”.
Nguồn vốn “chết cứng” như xi măng
Ông Lục Bát Duệ, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Hà (trước khi sáp nhập về Tuyên Quang), hiện nay đang là Phó Chủ tịch HĐND xã Tiên Yên, tỉnh Tuyên Quang, cho biết việc chậm trễ có nguyên nhân từ… sự nhầm lẫn trong phân bổ nguồn vốn.
Ông Duệ thông tin: “Tháng 12/2024, huyện phân bổ ngân sách. Do sơ suất trong nghiên cứu quyết định số 4999 và quyết định số 5000/QĐ-UBND huyện, xã đã phân bổ toàn bộ 350 triệu đồng vào xây dựng hai nhà văn hóa. Khi làm hồ sơ tiếp để thi công đường thì mới phát hiện ra… không có công trình này trong kế hoạch!”.
Sự thật là sau khi “trót” sử dụng hết nguồn vốn vào 2 công trình sửa chữa nhà văn hóa thôn, xã vẫn cho tập kết vật liệu và chuẩn bị tổ thợ. Nhưng khi đối chiếu với kho bạc thì không có công trình tu sửa này.
“Giờ thì không có đồng nào để trả cho đoạn đường ấy cả. Cát, sỏi, xi măng đó bây giờ là do anh em tôi và tổ thợ tự góp với nhau. Tổ thợ cũng làm theo kiểu... tình nghĩa, số xi măng, cát sỏi đó tổ thợ cũng tự chia nhau, không liên quan gì đến ngân sách. Bây giờ là của cá nhân bọn tôi tự chịu” – ông Duệ thừa nhận.
Sự việc tại Tràng Mới không chỉ là một dự án nhỏ bị ngưng trệ. Nó phản ánh những bất cập trong cách triển khai, giám sát và sử dụng nguồn vốn nhà nước ở vùng sâu, vùng xa.
Những chương trình mang tầm quốc gia, với mục tiêu thoát nghèo bền vững, nếu không được thực hiện đúng cách, có thể gây phản tác dụng, làm giảm niềm tin của người dân. Điều đáng lo ngại hơn là sự phối hợp chữa chặt chẽ giữa các cấp quản lý, các ban quản lý dự án.
Trước thực trạng này, người dân thôn Tràng Mới mong các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang sớm vào cuộc kiểm tra, xác minh rõ trách nhiệm của các bên liên quan; đồng thời có biện pháp khắc phục hậu quả, hoàn thành công trình dang dở để người dân yên tâm sản xuất.
Nguyễn Quân - Văn Hoàng
Link nội dung: https://www.nguoitaybac.vn/bang-lang-tuyen-quang-nhung-bao-xi-mang-chet-cung-ben-con-duong-dang-do-a11690.html